Wednesday, 27 Nov 2024
Blog

Bệnh viện Đa Khoa Chương Mỹ: Dấu ấn nửa thế kỷ

BVCM – Trải qua nửa thế kỷ, Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang. Bằng lòng nhiệt huyết, sự tận tình trong công tác khám chữa bệnh, tập thể cán bộ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ đã phát huy được phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp “Lương y như từ mẫu”, viết nên những trang vàng truyền thống của đơn vị.

Huyện Chương Mỹ là huyện ngoại thành Hà Nội có địa hình bán sơn địa, cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 20km về phía Tây Nam, với diện tích là 230 km2 gồm 32 xã, thị trấn, dân số là 300 nghìn người chủ yếu là người dân tộc Kinh có một số ít là người dân tộc Mường. Chương Mỹ là cầu nối, là cửa ngõ giữa vùng đồng bằng và rừng núi Tây Bắc của Tổ quốc.

Năm 1966 đế quốc Mỹ đã mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, huyện Chương Mỹ cũng chịu nhiều thiệt hại về cơ sở vật chất và con người, ngành Y tế của huyện nhà lúc đó còn rất mỏng, chưa có Bệnh viện mới chỉ có Phòng Y tế với 03 cán bộ gồm 01 trưởng phòng là y sĩ Trần Quang Vinh và 02 y sĩ, Phòng khám bệnh cũng chỉ có 03 cán bộ, trong đó 01 y sĩ và 02 y tá. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ mỗi huyện phải xây dựng 01 Bệnh viện dã chiến, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã quyết định thành lập Bệnh viện huyện Chương Mỹ và ngày 20/12/1966, Bệnh viện huyện Chương Mỹ đã ra đời, tiền thân là khoa Ngoại của Bệnh viện tỉnh Hà Tây về sơ tán tại xã Quảng Bị huyện Chương Mỹ.

Bệnh viện được xây dựng tại thôn Đồng Lệ, xã Hợp Đồng với quy mô là 50 giường bệnh, cán bộ có 32 đồng chí, bác sĩ Hoàng Đình Vượng được bổ nhiệm là Bệnh viện trưởng và 02 Bệnh viện phó là y sĩ Đinh Thị Thanh và y sĩ Trần Thị Ngân. Bệnh viện chưa thành lập được các khoa, phòng, chỉ có các tổ là: Tổ ngoại – Sản – Chuyên khoa, Tổ nội – Nhi – Lây, Tổ y vụ hành chính kế toán, Tổ Xét nghiệm và Tổ Dược – cấp dưỡng nhà trẻ. Cơ sở vật chất nghèo nàn có 06 nhà khung tre mái ngói tường xây, có 01 hầm mổ và đẻ kiên cố kiểu chữ A, có hệ thống giao thông hào chạy liên thông khắp các nhà. Về trang thiết bị có 02 bộ dụng cụ phẫu thuật ngoại sản, 01 bộ giác hút, 01 bộ Forcep, 02 bàn mổ, 02 bàn đẻ, đèn mổ và đèn đỡ đẻ chỉ có đèn măng xông, đèn bão và đèn pin.

Một góc bệnh viện Chương Mỹ ngày xưa.

Công tác khám chữa bệnh nhiều lúc phải thực hiện dưới hầm trú ẩn.

Khi mới thành lập, mặc dù với nhân lực ít chủ yếu là y sĩ, y tá, cơ sở vật chất trang thiết bị nghèo nàn, đời sống cán bộ nhân viên vô cùng khó khăn, song với tinh thần phục vụ nhân dân “Mỗi người làm việc bằng hai”, không ai nghỉ bù, nghỉ trực, luôn đảm bảo công tác khám cấp cứu bệnh nhân không để xảy ra sai sót lớn trong chuyên môn.

Năm 1971 sau trận lũ lịch sử nhà cửa và các phòng khám điều trị cho bệnh nhân bị tan hoang, điều kiện phục vụ bệnh nhân càng khó khăn hơn. Từ năm 1972 Bệnh viện được củng cố lại, sửa chữa toàn bộ các phòng và khu tập thể cho cán bộ viên chức, dựng lại hàng rào quanh bệnh viện, trồng lại vườn hoa cây cảnh, xây lại hầm mổ, xin bổ sung thêm nhân lực gồm 05 bác sĩ, 07 y sĩ, 01 dược sĩ cao cấp, 01 dược sĩ trung cấp, 01 lương y, biên chế của Bệnh viện lên tới hơn 50 cán bộ, đồng thời Bệnh viện cũng củng cố lại các tổ chức đoàn thể như: Công đoàn, Đoàn thanh niên, Dân quân tự vệ, Đoàn văn nghệ của Bệnh viện đã đi dự thi phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” của Tỉnh nhiều lần đạt giải cao.

Công tác điều trị đã đi dần vào nền nếp, phát triển các chuyên khoa như Ngoại – sản, Nội – nhi, Đông y và Tai mũi họng – Mắt – Răng hàm mặt, tăng cường phẫu thuật ngoại sản, cứu sống nhiều bệnh nhân nặng như: Vỡ tử cung, chửa ngoài dạ con, vết thương thấu bụng…, hạn chế được bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên, đồng thời Bệnh viện đã tự sản xuất huyết thanh các loại, kiếm hái thuốc nam phục vụ bệnh nhân.

Từ năm 1972 – 1975 Bệnh viện đã được Ty Y tế Hà Tây cùng Huyện ủy, UBND huyện Chương Mỹ đánh giá cao với kết quả kiểm tra cuối năm Bệnh viện Chương Mỹ luôn đứng thứ 3 chỉ sau nhà thương Vân Đình và Bệnh viện Mỹ Đức, hai năm liền Bệnh viện được Ty Y tế Hà Tây lấy làm địa điểm tổ chức Hội nghị thi đua toàn tỉnh và nhiều Bệnh viện bạn đã đến thăm quan học tập. Đồng chí Chu Điền – Trưởng Ban thi đua khen thưởng Bộ Y tế về thăm và ghi vào sổ lưu niệm của Bệnh viện “Như con chim đại bàng sau nhiều năm mê ngủ đã vùng dậy xòe rộng đôi cánh và bay, Bệnh viện Chương Mỹ giống như vậy đã và đang có đà vươn tới…”.

Năm 1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình thống nhất, Chương Mỹ cùng cả nước tiếp tục đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau chuyến thăm quan huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) học tập mô hình xây dựng Bệnh viện dựa vào dân, ngày 4 /7/1978, Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Chương Mỹ đã ra Nghị quyết số 21-NQ/HU về phát động phong trào quần chúng xây dựng Bệnh viện huyện với chủ trương tập trung sức mạnh cả về tinh thần và vật chất của toàn Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Mỗi xã xây dựng 01 đơn nguyên điều trị cho Bệnh viện theo mẫu bản vẽ của Bộ Y tế ban hành. Bệnh viện được xây dựng trên bãi đất 2ha tại thôn Đồng Lệ, xã Hợp Đồng với quy mô 150 giường bệnh.

Bệnh viện Chương Mỹ mới đã được khánh thành vào năm 1980, đã trang bị thêm cho Bệnh viện một số máy móc mới, 01 xe ô tô cứu thương, 01 máy X quang. Ban lãnh đạo của Bệnh viện lúc này gồm bác sĩ Trần Quang Vinh – Bệnh viện trưởng và 02 Bệnh viện phó là y sĩ Nguyễn Văn Kết và bác sĩ Nguyễn Viết Trình, các khoa phòng của Bệnh viện lúc này được kiện toàn đầy đủ hơn, đó là: Phòng Y vụ, phòng Tổ chức, phòng Hành chính kế toán, các khoa gồm khoa Nội, khoa Nhi, khoa Lây, khoa Ngoại, khoa Phụ sản, khoa Liên chuyên khoa, khoa Đông Y, khoa Dược và khoa Cận lâm sàng, Bệnh viện có nhà trẻ để trông coi con em của cán bộ viên chức, ngoài ra Bệnh viện quản lý phòng khám bệnh khu vực là Phòng khám bệnh Xuân Mai.

Bệnh viện thực hiện các chức năng chính là khám, chữa bệnh; mỗi ngày khám từ 300 – 400 bệnh nhân, điều trị nội trú và ngoại trú trên 100 bệnh nhân, đã kết hợp tốt giữa Đông y và Tây y. Điểm nổi bật giai đoạn này là Bệnh viện phát triển điều trị đông y rất mạnh, cán bộ viên chức đã tự kiếm hái thuốc nam, sản xuất tự túc trồng tới 5 sào đủ các loại thuốc quý trong Bệnh viện.

Công tác phòng bệnh được Bệnh viện quan tâm, ngoài việc tuyên truyền thực hiện nếp sống mới ăn uống hợp vệ sinh, Bệnh viện còn mở lớp Yoga ngoài giờ mời bác sĩ Nguyễn Khắc Viện về giảng dạy và mời Phòng thể dục thể thao của Huyện về hướng dẫn võ thuật. Công tác chỉ đạo tuyến trước, ngoài việc trao đổi kinh nghiệm về các ca đẻ khó với nữ hộ sinh các Trạm Y tế xã, đặt vòng tránh thai Bệnh viện còn đưa bác sĩ về các xã khám bệnh, cắt Amidan, nạo VA với số lượng trên 100 ca mỗi đợt.

Về nghiên cứu khoa học, Bệnh viện đã phối hợp với Trạm chống lao của Tỉnh về các xã chụp X quang và thử đờm phát hiện bệnh nhân lao điều trị cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân và công trình nghiên cứu này đã được báo cáo tại Hội nghị chống lao toàn quốc…

Rất nhiều thế hệ y, bác sĩ đã gắn bó và xây dựng nên bệnh viện đa khoa Chương Mỹ như ngày nay.

Bệnh viện duy trì hoạt động tại thôn Đồng Lệ (xã Hợp Đồng) đến năm 1992 thì được chuyển về địa điểm ngày nay. Bệnh viện được tiếp nhận từ cơ sở Mây tre đan của Tỉnh, thời gian đầu Bệnh viện được chia làm 02 khu là khu trong (khoa Nội, khoa Ngoại, khoa Sản, khoa Nhi, khoa Lây) và khu ngoài (Phòng cấp cứu, khoa Xét nghiệm, khoa X quang). Bệnh viện quản lý 04 phòng khám, đó là: Phòng khám bệnh Xuân Mai, Phòng khám Đồng Phú, Phòng khám Hữu Văn và Phòng khám Bệnh viện cũ.

Tháng 7/1993 Bệnh viện được sáp nhập với Phòng Y tế thành Trung tâm Y tế, bác sĩ Dương Nguyên Thùy được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Y tế và 02 phó giám đốc là bác sĩ Nguyễn Đức Chí và bác sĩ Ngô Thanh Vân. Chức năng nhiệm vụ chính của Trung tâm là tham mưu cho Huyện ủy – HĐND – UBND huyện về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, quản lý đội ngũ cán bộ viên chức từ Huyện đến xã, xây dựng kế hoạch triển khai các chương trình Y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh cho nhân dân trong huyện nhà.

Khi thành lập Trung tâm Y tế, cùng với những khó khăn chung về kính tế xã hội của cả nước,Trung tâm Y tế cũng khó khăn về mọi mặt, về cơ sở vật chất không theo mô hình của Bệnh viện, chỉ có 02 dãy nhà 2 tầng và 7 dãy nhà cấp 4 đang xuống cấp trầm trọng. Trang thiết bị máy móc chỉ có 01 máy X quang nửa sóng Room 4, 02 kính hiển vi một mắt, 02 bộ cất nước, 02 bộ trung phẫu có tuổi trên 30 năm; đội ngũ cán bộ viên chức là 71 người, trong đó có 22 bác sĩ, trung cấp y dược là 44 người, còn lại là cán bộ khác.

Những ngày đầu tại thị trấn Chúc Sơn của bệnh viện đa khoa Chương Mỹ.

Trước bộn bề những khó khăn, ngay từ đầu Trung tâm Y tế đã xây dựng mục tiêu nhiệm vụ là chống xuống cấp cơ sở vật chất, nêu cao y đức, y đạo, đoàn kết nội bộ, khắc phục khó khăn trong đời sống và điều kiện công tác, tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính của chính quyền các cấp và hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật của các bệnh viện tuyến trên để nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ quản lý ngành, thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh và công tác Y tế dự phòng, hỗ trợ và chỉ đạo tích cực Y tế xã và công nông trường.

Đến năm 2006 Trung tâm Y tế được tách ra làm 2 đơn vị là Trung tâm Y tế Chương Mỹ và Trung tâm Y tế dự phòng theo Quyết định số 561/ QĐ-UBND ngày 31/3/2006 của UBND tỉnh Hà Tây. Giám đốc của Bệnh viện là bác sĩ Nguyễn Đức Chí và 2 phó giám đốc là bác sĩ Đặng Trần Chiến và bác sĩ Trương Ninh. Khi được tách từ Trung tâm Y tế, Bệnh viện có 155 cán bộ viên chức, trong đó có 01 thạc sĩ, 09 bác sĩ chuyên khoa I, 20 bác sĩ, còn lại là viên chức khác. Bệnh viện có 16 khoa phòng (4 phòng chức năng, 9 khoa lâm sàng, 3 khoa cận lâm sàng), với số giường bệnh kế hoạch 150 giường. Bệnh viện hoạt động đúng theo 7 chức năng nhiệm vụ của Bệnh viện hạng III, đó là: khám chữa bệnh, phòng chống dịch, chỉ đạo tuyến, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ Y tế, hợp tác quốc tế và thực hiện kinh tế Y tế.  

Năm 2008, Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, Bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ theo Quyết định số 1386/ QĐ-UBND ngày 17/11/2008 của UBND thành phố Hà Nội, Bệnh viện không ngừng phát triển về mọi mặt. Hiện tại Bệnh viện có 19 khoa, phòng gồm 4 phòng chức năng, 10 khoa lâm sàng và 5 khoa cận lâm sàng, số cán bộ viên chức là 275 người, trong đó có 06 thạc sĩ, 01 bác sĩ CKII và hơn 20 bác sĩ CKI. Bệnh viện ngày càng khang trang sạch sẽ. Từ năm 2009 với nguồn trái phiếu Chính phủ, Bệnh viện được xây dựng mới toàn bộ nhà điều trị khoa Nội – Đông Y, khoa Nhi – Hồi sức, khoa Truyền nhiễm và khu nhà 5 tầng cho các khoa Ngoại, Sản, Liên Chuyên khoa, Xét nghiệm và Chẩn đoán hình ảnh, hệ thống đường đi trong Bệnh viện, vườn hoa cây cảnh được cải tạo toàn bộ.

Bệnh viện đa khoa Chương Mỹ ngày nay.

Về công tác khám chữa bệnh hàng năm, Bệnh viện vượt mức chỉ tiêu giao, giường bệnh được tăng dần từ 150 lên đến 250 giường năm 2013. Về máy móc trang thiết bị, Bệnh viện được cấp kinh phí từ Sở Y tế Hà Nội và các nguồn khác, đã mua sắm nhiều máy móc hiện đại đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, như hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng, máy nội soi dạ dày, trực tràng, máy siêu âm màu 3D có đầu dò…Trong công tác điều trị, Bệnh viện đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới như phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa, cắt túi mật, cắt tử cung, u xơ tử cung, điều trị vàng da sơ sinh, phẫu thuật lấy thai có vết mổ lần 1, lần 2…

Cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng bệnh viện luôn được trang bị hiện đại để phục vụ người bệnh một cách tốt nhất.

Cùng với sự phát triển chung của Bệnh viện, các tổ chức Đảng, đoàn thể cũng ngày càng lớn mạnh. Từ một Chi bộ sinh hoạt trong Đảng bộ ngành Y tế gồm: Chi bộ Bệnh viện, Chi bộ Phòng Y tế, Chi bộ cửa hàng Dược, nay đã thành Đảng bộ Bệnh viện với 80 đảng viên. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đảng bộ nhiều năm liền được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Tổ chức Công đoàn và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ngày càng lớn mạnh với hơn 200 Đoàn viên. Công đoàn Bệnh viện và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tốt trong việc phát động, tổ chức các phong trào thi đua tạo niềm tin phấn khởi mang lại đời sống tinh thần cho CBVC, hàng năm được cấp trên công nhận là “Cơ sở vững mạnh xuất sắc”.

Những phần thưởng cao quý do Bộ Y tế và thành phố Hà Nội trao tặng.

Năm 2016, với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ, viên chức Bệnh viện đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là Bệnh viện hạng II theo Quyết định số 789/QĐ-UBND ngày 17/02/2016 của UBND thành phố Hà Nội. Bệnh viện đã được tặng nhiều Bằng khen của Bộ Y tế, của UBND tỉnh Hà Tây và UBND TP.Hà Nội; Cờ thi đua của UBND thành phố Hà Nội. Đây là niềm vinh dự lớn lao, đồng thời là thách thức – nhiệm vụ nặng nề đối với cán bộ đảng viên, công nhân viên chức của Bệnh viện. Song, bằng quyết tâm, sự đoàn kết của Ban lãnh đạo và cán bộ viên chức, Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ sẽ vững bước trên con đường của mình, góp phần tích cực hơn nữa vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. 50 năm xây dựng và phát triển, với những thành tích đã đạt được, mỗi cán bộ viên chức của Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ dù đang công tác hay đã nghỉ hưu luôn thấy tự hào về ngôi nhà thứ hai của mình.

Ban biên tập

 

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý độc giả copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn benhvienchuongmy.vn.
Copyright © 2022 - 2024 | benhvienchuongmy.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status